Những điều Nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã hoàn thành các thủ tục cấp IRC/ ERC/ ORC, giấy phép xây dựng, giấy phép môi trường, v.v trong giai đoạn tiến hành đầu tư; giai đoạn xây dựng nhà máy là một giai đoạn then chốt và cũng là giai đoạn có rất nhiều các quy tắc, quy định tùy thuộc vào khu công nghiệp hoặc luật pháp của từng tỉnh, thành phố. Nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu này, Nguyên Giáp xin được giải đáp những quy định trên bằng bài viết thứ hai trong loạt bài viết tư vấn quy trình và thủ tục đầu tư nhà máy tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.

QUY ĐỊNH TRƯỚC KHI XÂY DỰNG

Trước khi xây dựng, Nhà đầu tư (NĐT) phải hoàn tất các thủ tục sau:

1. Giấy phép xây dựng:

a. Sau khi ký Hợp đồng, chủ đầu tư (CĐT) khu công nghiệp (KCN) sẽ cung cấp biên bản giao đất, các mốc tại khu vực dự án và các thông số kỹ thuật đấu nối cho Nhà đầu tư theo quy định của Hợp đồng. Trường hợp NĐT có nhu cầu, CĐT sẽ cung cấp trước dự thảo hồ sơ giao đất để hỗ trợ việc thiết kế công trình;

b. NĐT cần tham khảo ý kiến của CĐT KCN về thiết kể phối cảnh, tổng mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt các công trình chính, phụ và vị trí đấu nối kết cấu hạ tầng của nhà máy với kết cấu hạ tầng chung của KCN để tạo mỹ quan chung cho KCN;

c. NĐT phải trình và được ban quản lý KCN cấp phép xây dựng.

2. Đăng ký xây dựng:

Nhà đầu tư phải gửi cho chủ đầu tư KCN các hồ sơ sau:

  • Bản sao giấy phép xây dựng;
  • Thẩm duyệt thiết kế PCCC, bản vẽ mặt bằng bố trí hệ thống PCCC;
  • Giấy phép môi trường (cam kết bảo vệ môi trường hoặc quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường);
  • Danh sách các nhà thầu tham gia thầu (thầu chính và thầu phụ) xây dựng công trình và người đại diện của từng nhà thầu tại công trường;
  • Thông báo ngày khởi công, kế hoạch thi công, tiến độ dự kiến, vị trí lán trại và nhà vệ sinh tạm cho công nhân, kho bãi, các lối ra vào tạm;
  • Phiếu đăng ký tạm trú cho cán bộ, công nhân tham gia thi công tại công trường do Công an Đại phương cấp;
  • NĐT phải lắp dựng bảng phối cảnh trước công trình, niêm yết giấy phép xây dựng và ngày khởi công, trên đó nêu rõ tên đơn vị CĐT, đơn vị thiết kế, đơn vị giám sát và đơn vị thi công.

3. Quy định về ký quỹ bảo đảm khi thực hiện dự án đầu tư:

            Căn cứ Khoản 1 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định NĐT phải ký quỹ trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

            Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 và Khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, mức ký quỹ đảm bảo được quy định như sau:

  • Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư, cụ thể:
    • Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;
    • Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;
    • Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.
  • Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

Trong đó, vốn đầu tư của dự án không bao gồm: Tiền sử dựng đất, tiền thuê đất nộp cho Nhà nước cũng như chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà NĐT có nghĩa vụ bàn giao cho Nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có).

Nếu tại thời điểm ký thỏa thuận bảo đam thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phó trong Đề xuất dự án do NĐT lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

 

QUY ĐỊNH VỀ THI CÔNG, LẮP ĐẶT TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

1. Thiết kế, quy hoạch

Trong quá trình xây dựng và hoạt động trong KCN, NĐT phải bảo đảm tuân thủ GPXD đã được BQLKKT phê duyệt, trong đó có các yếu tố:

1.1 Mật độ xây dựng:

Mật độ xây dựng phải phù hợp với quy định hiện hành và quy hoạch KCN được phê duyệt, trong đó:

a. Mật độ xây dựng tối đa là 70% đối vưới nhà máy/ nhà xưởng/ nhà kho từ 5 tầng trở xuống và 60% từ 6 tầng trở lên.

b. Diện tích đất trồng cây xanh tối thiểu là 20%

1.2 Chỉ giới xây dựng (khoảng lùi):

NĐT cần tuân thủ khoảng lùi 6m quy định của đồ án quy hoạch KCN được duyệt và các yêu cầu khác của cơ quan nhà nước (nếu có)

1.3 Cao trình xây dựng:

a. Hệ tọa độ áp dụng trong KCN là hệ tọa độ VN-2000.

b. Cốt nền xây dựng tối thiểu của công trình là +2,3m.

c. Cao trình đáy cống hoặc mương thoát nước của nhà máy phải cao hơn cao trình đáy công thoát nước của hệ thống thoát nước chung KCN tại hố ga mà nhà máy định đấu nối vào ít nhất 10cm.

1.4 Cổng ra vào:

a. Việc thiết kế, bố trí và xây dựng cổng ra vào Khu đất phải đảm bảo mỹ quan và phù hợp quy hoạch chung của KCN. Số lượng và việc thiết kế cổng phải được chủ đầu tư KCN đồng ý trước khi tiến hành thi công xây dựng và xác nhận hoàn thành công tác thi công cổng ra vào trước khi đưa vào sử dụng.

b. Cổng ra vào chính phải rộng ít nhất 6m. Mọi cổng ra vào khu đất phải cách xa các ngã ba, ngã tư đường giao thông nội bộ trong KCN ít nhất 20m (riêng đối với ngã ba, ngã tư đường giao thông có hệ thống đèn báo hiệu giao thông thì khoảng cách này là 30m). Khoảng cách này được tính từ điểm giữa cổng ra vào đến điểm uốn gần nhất của đường cong gần nhất của ngã ba, ngã tư.

c. Trường hợp cổng ra vào giao cắt với hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN thì NĐT phải thực hiện theo mẫu thiết kế gia cố hạ tầng do KCN cung cấp.

1.5 Tường rào:

a. Tường rào giáp với đường nội bộ của KCN có kiến trúc theo mẫu thiết kế chung của KCN.

b. Nhà đầu tư không được phép thiết kế lắp đặt hệ thống dây điện trần làm hệ thống bảo vệ trên đỉnh tường.

1.6 Thoát nước:

a. Việc thiết kế, bố trí và xây dựng hệ thống thoát nước của các nhà máy (đoạn tuyến đấu nối từ hố ga nhà máy ra hố ga chung của KCN) phải theo quy hoạch hệ thống thoát nước chung của KCN. Thiết kế này phải được KCN đồng ý trước khi tiến hành thi công xây dựng. Hệ thống thoát nước của toàn nhà máy phải được BQL khu công nghiệp kiểm tra và xác nhận trước khi đưa vào sử dụng.

b. Các nhà máy phải thiết kế hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải riêng biệt hoàn toàn.

c. Hệ thống thoát nước thải của các nhà máy trước khi đổ vào hệ thống thoát nước thải chung của KCN phải qua một hố van không chế đặt ngoài tường rào nhà máy và trước hố ga đấu nối (chủ đầu tư KCN cung cấp mẫu, NĐT tự chịu kinh phí xây dựng).

d. Nước thải (gồm nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt) của các nhà máy trước khi đổ vào hệ thống thoát nước thải chung của KCN phải được xử lý cục bộ đạt quy định tiếp nhận của KCN. Nghiêm cấm xả nước thải ô nhiễm chưa xử lý và nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định vào hệ thống thoát nước chung của KCN.

1.7 Cấp điện:

a. Cấp điện thi công: KCN đảm bảo cấp điện hạ thế thi công cho nhà thầu. Việc cấp điện có thể do nhà thầu tự đầu tư máy biến áp hoặc thuê dịch vụ của KCN.

b. Cấp điện sản xuất: Nhà đầu tư làm việc trực tiếp với Điện lực đại phương để thực hiện việc hạ trạm và mua bán điện trực tiếp với cơ quan điện lực địa phương. Trường hợp đường dây cấp điện đi qua khu vực hạ tầng khác – NĐT phải thoản thuận với chủ đầu tư KCN.

1.8 Cấp nước:

a. Việc thiết kế, bố trí vị trí đồng hồ nước cấp nằm ngoài hàng ráo nhà máy theo vị trí chỉ định trong hồ sơ giao đất. Công suất đồng hồ nước cấp phải được KCN hoặc Đơn vị cung cấp nước quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng nước cho thi công hoặc sản xuất.

b. NĐT tự chịu kinh phí đấu nối và kinh phí xây dựng từ đồng hồ cấp nước vào Khu đất.

c. Nhà đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng không được khoan giếng để khai thác nước ngầm.

1.9 Bãi đậu xe:

Nơi đậu xe cho nhân viên, khác và xe vận chuyển nguyên vật liệu hoặc sản phẩm phải được thực hiện bên trong khuôn viên Khu đất. Việc sử dụng phần lề đường, lòng đường và dải cách ly công cộng làm bãi đậu xe hoặc dùng vào bất cứ mục đihcs nào khác đều phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư KCN.

1.10 Chất thải rắn:

NĐT phải bố trí khu vực lưu chứa tạm thời các loại chất thải rắn (nguy hại và không nguy hại) trong Khu đất trước khi được đem đi tập trung xử lý, diện tích phải phù hợp với khối lượng chất thải rắn phát sinh, không được vi phạm hành lang PCCC hoặc mật độ xây dựng của Nhà máy. Các loại chất thải rắn phải được thu gom, phân loại theo quy định. Nghiêm cấm đổ chất thải rắn ra vỉa hè, lòng đường và các khu vực lân cận.

1.11 Bảng chỉ dẫn:

a. NĐT không được phép lắp đặt các bảng quảng cáo hoặc chỉ dẫn nằm ngoài ranh giới Khu đất.

b. Việc lắp đặt bất cứ bảng quảng cáo hoặc chỉ dẫn nào lớn hơn 3m2 đều phải có sự chấp thuận của BQL chủ đầu tư KCN và phải tiến hành xin giấy phép quảng cáo theo quy định hiện hành.

1.12 Chiếu sáng:

Việc chiếu sáng trong Khu đất thuộc trách nhiệm của NĐT.

1.13 PCCC:

NĐT chịu trách nhiệm thực hiện công tác PCCC theo quy định hiện hành.

2. Quản lý xây dựng

2.1 NĐT phải thông báo ngày khởi công bằng văn bản cho BQL KCN và BQL chủ đầu tư KCN trong vòng 07 ngày trước khi khởi công xây dựng công trình.

2.2 Trong quá trình thi công xây dựng, các hoạt động không làm ảnh hưởng đến khu đất khác:

a. Các đơn vị tham gia xây dựng phải che chắn kín khu vực công trường bằng vật liệu tôn, cao ít nhất 2.5m, đảm bảo yêu cầu mỹ quan;

b. Các đơn vị tham gia xây dựng phải đảm bảo an toàn xây dựng và vệ sinh môi trường, không để khói, bụi, nước thải, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến các khu vực lân cận.

c. Các đơn vị tham gia xây dựng phải bố trí lán trại, bãi rửa xe, kho vật tư, nhà vệ sinh, vị trí tập kết rác thải, thoát nước trong phạm vi công trường xây dựng.

d. Mọi hoạt động xây dựng chỉ được tiến hành trong phạm vi Khu đất. Khi cần sử dụng tạm thời đất ngoài diện tích đã thuê phục vụ công tác thi công, các đơn vị xây dựng phải có sự chấp thuận trước của chủ đầu tư KCN.

2.3 Sử dụng đường giao thông công cộng:

a. Phương tiện vận tải ra vào các khu đất đang xây dựng và các nhà máy phải tuân thủ quy định về tải trọng và tham gia giao thông trong KCN.

b. Phương tiện vận tải ra vào các khu đất đang xây dựng và các nhà máy phải đảm bảo vệ sinh đường giao thông. Không được làm rơi vãi vật liệu thi công xây dựng, chất thải trên đường.
c. Không được đậu xe trên phần đường công cộng trong KCN khi chưa được phép.

2.4. Xử lý nước thải, rác và chất thải rắn:

a. Các đơn vị xây dựng phải bố trí bãi chứa rác tạm, đảm bảo vệ sinh trong công trường và có biện pháp xử lý rác thích hợp theo hướng dẫn của BQL KCN. Nghiêm cấm đổ rác ra vỉa hè, lòng đường và khu vực lân cận. Xây dựng nhà vệ sinh không được gây mất vệ sinh công trường.

b. Các đơn vị xây dựng chỉ được đổ đất thừa, xả bẩn phát sinh trong quá trình xây dwunjg tại vị trí do BQL KCN chỉ định. Nghiêm cấm đổ xả bẩn ra khu đất trống lân cận, dải cách ly công cộng hoặc vỉa hè.

c. Không được thoát nước thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung của KCN khi chưa được BQL KCN chấp thuận. Giữ vệ sinh chung cống thoát nước, không để bùn, cát và rác lấp công thoát nước.

2.5 Sửa chữa, khắc phục hư hỏng:

a. Trong quá trình thi công, nếu đơn vị xât dựng làm hỏng các công trình công cộng trong KCN thì phải khôi phục ngay. Sau 5 ngày kể từ ngày lập biên bản thông báo mà công trình hư hại vẫn chưa được sửa chữa thì chủ đầu tư KCN sẽ dùng tiền ký quỹ tiến hành khôi phục và NĐT chịu hoàn toàn chi phí sửa chữa này. Trong trường hợp chi phí sửa chữa hư hỏng vượt quá số tiền ký quỹ, NĐT phải trả cho KCN số tiền vượt trội đó.

b. Tiền ký quỹ sẽ được trả lại không tính lãi sau khi chủ đầu tư KCN kiểm tra và xác nhận các công trình công cộng xung quanh không bị hư hỏng do việc thi công gây nên hoặc đã được khắc phục sau khi công việc xây dựng hoàn thành, đồng thời đơn vị xây dựng hoàn thành công tác hoàn trả mặt bằng thi công tường rảo tiếp giáp đường giao thông KCN và cổng ra vào nhà máy.

2.6 An toàn lao động – An ninh tại khu vực xây dựng:

a. NĐT và các đơn vị xây dựng tự chịu trách nhiệm về an toàn lao động và an ninh cho người và tài sản của mình trong khu vực xây dựng.

b. NĐT và các đơn vị xây dựng phải tiến hành đăng ký tạm trú cho công nhân lưu trú tại công trường với Công an địa phương theo quy định và thông báo danh sách cho đội bảo vệ KCN.

c. Trong thời gian xây dựng, các đơn vị xây dựng phải mua bảo hiểm công trình theo quy định.

2.7 Hoàn thành xây dựng:

a. Sau khi hoàn tất việc xây dựng, NĐT hoặc đơn vị xây dựng phải thu dọn mặt bằng, đường mương sạch sẽ, bù đủ cao độ những khu đất mà đơn vị đã được sử dụng, đồng thời phải xây lại những bó vỉa, mép ranh và khắc phục các công trình công cộng khác do thi công làm hư hỏng.

b. NĐT phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư KCN về việc hoàn thành xây dựng để tiến hành kiểm tra, xác nhận đấu nối hạ tầng trước khi đưa nhà máy đi vào hoạt động.

c. NĐT liên hệ BQL KCN của tỉnh để được hướng dẫn cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình xây dựng theo quy định.

3. Đấu nối hạ tầng và xử lý chất thải rắn

3.1 Quy định về cấp nước và đấu nối cấp nước:

a. NĐT sau khi có giấy phép đầu tư liên hệ với KCN hoặc đơn bị bán nước để làm thủ tục cung cấp nước.

b. Các hành vi sau được xem là vi phạm

  • Tự ý tháo dỡ hoặc di dời đồng hồ nước.
  • Sử dụng nước không thông qua đồng hồ đo nước; chỉnh sai đồng hồ đo nước hoặc sử dụng các thiết bị gây trở ngại cho hoạt động của đồng hồ nước.
  • Đặt bơm hút nước trong đường ống.
  • Cho đơn vị khác sử dụng nước mà chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của Nhà cung cấp.
  • Trả tiền nước không đúng thời gian quy định
  • Khai thác nước ngầm dưới đất để sử dụng.
  • Cố ý làm đứt chì niêm phong của đồng hồ đo nước.

c. Tùy theo mức độ vi phạm, NĐT sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử lý sau:

  • Truy thu lượng nước sử dụng trái phép
  • Cắt nước có thời hạn hoặc không thời hạn
  • Buộc lấp giếng và áp dụng các quy định xử phạt theo quy định pháp luật

3.2 Quy định về nước thải và đấu nối nước thải:

a. Chủ đầu tư sẽ cung cấp một hệ thống thoát nước để thu gom nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất về trạm xử lý nước thải tập trung KCN.

b. Tiêu chuẩn giới hạn nước thải đầu ra theo quy định trong hợp đồng xử lý nước thải.

c. NĐT sẽ phải xây dựng hệ thống thoát nước bên trong nhà máy, trang bị hệ thống đo đạc kiểm soát thành phần nước thải theo quy định, sau đó đấu nối và hệ thống thoát nước tới hố ga gần nhất của KCN bằng chi phí của mình. Trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước của KCN, NĐT phải thông báo cho chủ đầu tư KCN nghiệm thu xác nhận hệ thống nước thải đã được thi công hoàn thành và đảm bảo độ kín khít, không bị thâm, đồng thời hệ thống nước thải phải được thiết kế và thi công tách biệt với hệ thống nước mưa nội bộ

d. Mỗi nhà máy chỉ được phép đấu nối duy nhất một điểm vào hệ thống thoát nước thải chung của KCN theo hồ sơ giao đất hoặc hướng dẫn của chủ đầu tư KCN

e. Trong quá trình hoạt động của nhà máy, chủ đầu tư KCN sẽ định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu nước thải của nhà máy mang đi xét nghiệm chất lượng với sự chứng kiến của đại diện nhà máy. NĐT sẽ chịu chi phí lấy mẫu và chi phí xét nghiệm trong trường hợp nước thải ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quy định. Trong trường hợp nước thải không đạt tiêu chuẩn, BQL chủ đầu tư KCN sẽ ngưng tiếp nhận nước thải cho đến khi nhà máy thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu. Trong trường hợp nước thải tiêu chuẩn gây thiệt hại cho nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN và môi trường bên ngoài thì NĐT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù mọi chi phí khắc phục thiệt hại.

f. Các hành vi sau được xem là vi phạm:

  • Để nước thải lẫn vào hệ thống nước mưa nội bộ nhà máy và ngược lại.
  • Lượng nước thải vượt quá quy định tiếp nhận vào hệ thống chung của KCN hoặc ra môi trường
  • Thanh toán chi phí xử lý nước thải không đúng thời gian quy định
  • Cho đơn vị khác đấu nối nước thải khi chưa có văn bản đồng ý của chủ đầu tư KCN
  • Hình thức xử lý: tùy theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng một trong các biện pháp sau
    • Tạm đóng cửa xả nước thải hoặc tmaj ngưng cung cấp nước cho đến khi NĐT chấm dứt các hành vi và khắc phục mọi hậu quả
    • Bồi thường theo mức độ gây thiệt hại
    • Báo các cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

3.3 Quy định về nước mưa và đấu nối nước mưa

a. Hệ thống thoát nước mưa của KCN được tách riêng khỏi hệ thống thoát nước thải. Hệ thống bao gồm một mạng lưới công thoát nước xây dựng bên đường thu nước từ các lô về tuyến cống chính. NĐT phải xây dựng hệ thống thu gom nội bộ và đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa của KCN. NĐT cũng đảm bảo rằng tất cả các loại nước thải như nước thải sàn nhà máy, khu sản xuất, trung tâm để thùng rác, bồn chứa dầu … không xả vào hệ thống thoát nước mưa.

b. NĐT không được cho phép đơn vị khác đấu nối thóa nước mưa vào hệ thống của mình.

c. NĐT phải xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với hệ thống thoát nước thải. Trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước của KCN, NĐT phải thông báo cho chủ đầu tư KCN nghiệm thu xác nhận hệ thống nước mưa đã được thi công hoàn thành và đảm bảo độ kín khít, không bị thấm.

d. NĐT phải xây dựng đường ống và hố ga đấu nối thoát nước theo đúng thiết kế đã được duyệt. Trong thời gian hoạt động, NĐT phải bảo đảm hố ga đấu nối hoạt động ổn định và an toàn.

e. NĐT không phải đóng phí đấu nối thoát nước mưa.

f. Chủ đầu tư KCN sẽ hướng dẫn cho NĐT làm thủ tục đấu nối nước mưa.

3.4 Quy định về chất thải rắn:

a. Các loại chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại sẽ phải được lưu riêng biệt và ký hợp đồng với các đơn bị thu gom có chức năng để thu gom và xử lý. Cụ thể như sau:

  • Đối với các loại chất thải sinh hoạt: NĐT phải bố trí nơi đặt thùng rác có lối đi thuận tiện cho việc thu gom và phải có các biện pháp che chắn thích hợp để tránh rác rơi vãi ra môi trường, đồng thời tránh côn trùng và vi sinh vật phân hủy gây mùi hôi thối. Để đảm bảo kiểm soát an toàn vệ sinh môi trường, NĐT ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác sinh hoạt.
  • Đối với chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại: NĐT phảu ký hợp đồng với các đơn vị thu gom có chức năng để thu gom và xử lý.

b. Nghiêm cấm chôn rác trong KCN và đốt rác ngoài trời. Hành vi đốt rác tại khu dân cư là hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt đối với hành vi này là 500 nghìn – 1 triệu đồng và buộc thực hiện các biên pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định.

___________________________________________________________________________________________________________________________

Đây là bài viết thứ hai trong chuỗi bài viết Sổ tay tư vấn quy trình và thủ tục đầu tư nhà máy tại các khu công nghiệp.

Tải về Sổ tay tư vấn quy trình và thủ tục đầu tư nhà máy tại các khu công nghiệp tại đây

Xem phần 1 của loạt bài viết tại đây

____________________________________________________________________________________________________________________________

Nguyên Giáp CO., LTD – Phân phối đầu tư bất động sản công nghiệp

Hotline: 097.994.4555 – Ms. Quỳnh

Website: nguyengiap.vn

Email: info@nguyengiap.vn

 

 

The Courses