Theo dấu FDI, “sóng” bất động sản đang đổ về Thái Bình

“Kỳ tích” về thu hút FDI đã tạo ra bệ phóng giúp tỉnh Thái Bình dần trở mình bứt phá, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy mở rộng lõi trung tâm thành phố với các không gian đô thị được quy hoạch bài bản, đồng bộ…

ĐỘNG LỰC FDI VÀ KHẢ NĂNG “LỘT XÁC” DIỆN MẠO ĐÔ THỊ

Dòng vốn FDI luôn có xu hướng dịch chuyển, tìm kiếm những khu vực tiềm năng, không chỉ về vị trí, cơ sở hạ tầng mà còn về chính sách thu hút đầu tư. Với đường bờ biển dài 52km, 5 cửa sông lớn, tạo ra vùng bãi triều hơn 16.000ha, Thái Bình sở hữu nhiều lợi thế phát triển công nghiệp và kinh tế biển.

Nhiều năm qua, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế, tỉnh Thái Bình đã tích cực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tăng khả năng kết nối trong tỉnh và liên vùng. Ngoài ra, giá đất còn thấp, nhân công rẻ cũng là ưu thế lớn của Thái Bình trong việc lọt vào “tầm ngắm” của các “đại bàng” FDI.

Trên hành trình “dọn tổ đón đại bàng”, tỉnh Thái Bình quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư đểsẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hơn nữa, tỉnh còn áp dụng chính sách ưu đãi tốt nhất đối với các dự án đầu tư vào địa bàn và cam kết đồng hành cùng với nhà đầu tư.

Nhờ vậy, kết quả thu hút FDI của Thái Bình diễn biến tích cực qua các năm. Đỉnh điểm là năm 2023, tỉnh đã chính thức gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút nguồn vốn FDI, xếp thứ 5 cả nước, với trên 3 tỷ USD. Sự gia tăng đột phá về nguồn vốn FDI là một chỉ dấu quan trọng cho thấy, bức tranh tăng trưởng kinh tế và diện mạo Thái Bình sẽ tiếp tục chứng kiến sự “lột xác” mạnh mẽ trong tương lai.

Trên thực tế, khả năng dẫn dắt, làm đầu kéo phát triển của dòng vốn FDI đã được chứng minh ở một số tỉnh công nghiệp đi trước. Đơn cử như Bắc Ninh, từ năm 2010 đến nay, sự gia tăng của dòng vốn FDI cho thấy rõ sự tỷ lệ thuận với quy mô GRDP của tỉnh, đồng thời cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự lột xác về diện mạo đô thị, kéo theo đó là giá đất cũng gia tăng tương ứng, từ 8 – 10 triệu đồng/m2 năm 2010 đã tăng lên mức 120 – 250 triệu đồng/m2 năm 2023.

Bắc Ninh tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nguồn vốn FDI – Ảnh minh họa.

Quá trình tăng trưởng nhờ dòng vốn FDI cũng diễn ra tương tự tại Bắc Giang. Chỉ trong vòng 10 năm (2013 – 2023), quy mô GRDP của tỉnh này đã tăng gấp 5 lần (từ 36,273 tỷ đồng lên mức 181,800 tỷ đồng), lũy kế FDI cũng tăng gấp 5 lần tương ứng. Giá đất khu vực trung tâm của Bắc Giang cũng ghi nhận sự tăng trưởng theo chiều thẳng đứng khi không gian đô thị được mở rộng và “lột xác”, các dự án bất động sản lớn hình thành.

Quay trở lại với Thái Bình, có thể khẳng định, các điều kiện hiện hữu của địa phương này đang là cực hút lớn đối với các nhà đầu tư phát triển đô thị, tiện ích, dịch vụ; góp phần tạo lực đẩy mạnh mẽ cho quá trình “thay da đổi thịt” của tỉnh từng chỉ “thuần nông” – vựa lúa của miền Bắc. Điển hình mới đây Daewoo E&C đã lựa chọn Thái Bình để đầu tư và phát triển khu đô thị mới dựa trên mô hình Thành phố thông minh tại Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây (Hà Nội).

XU HƯỚNG MỞ RỘNG TRUNG TÂM THÀNH PHỐ VỀ PHÍA NAM

Công nghiệp hóa kéo theo đô thị hóa, với đà phát triển kinh tế công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở hiện tại và dự báo còn gia tăng trong tương lai, Thái Bình tất yếu phải mở rộng không gian phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

Nhất là khi khu vực lõi trung tâm thành phố Thái Bình đã trở nên chật hẹp sau thời gian phát triển năng động. Được xem là tỉnh “đất chật, người đông”, Thái Bình có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Đã 20 năm qua (2003 – 2023), thành phố Thái Bình gần như không mở rộng, dân số hiện đã vượt qua mốc 200.000 và dự báo còn tăng khi các chuyên gia, người lao động theo làn sóng FDI dịch chuyển đến các khu công nghiệp. Áp lực hạ tầng, dân số khu vực lõi trung tâm sẽ thúc đẩy xu hướng mở rộng không gian phát triển của thành phố và hình thành những trung tâm đô thị mới.

Thành phố Thái Bình sẵn sàng mở rộng lõi trung tâm.

Theo đó, phía Nam thành phố đang được chú trọng phát triển mở rộng nhờ sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ. Từ đây có thể nhanh chóng kết nối tới hệ thống đường vành đai, liên kết với các khu vực giao thương lân cận và đặc biệt thuận tiện kết nối tới khu kinh tế biển của tỉnh Thái Bình.

Từ trung tâm thành phố bám theo đường Lê Quý Đôn về phía Nam là trục giao thông được quy hoạch là xương sống để phát triển quỹ đất, mở rộng lõi trung tâm thành phố. Khu vực này đã có sự phát triển nhanh chóng và hình thành cộng đồng dân cư sầm uất, mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu đô thị mới, hiện đại trong tương lai.

Đáng kể đến là dự án Glory Downtown Thái Bình, nổi bật tại tâm điểm mới phía Nam, dự án được đầu tư bài bản, từ quy hoạch hạ tầng đô thị bài bản đến phát triển mô hình nhà phố đa năng. Ngoài ra Glory Downtown sở hữu hệ thống tiện ích hài hòa giữa kinh doanh thương mại và cảnh quan cây xanh mang đến không gian sống trong lành và tương lai thịnh vượng cho cư dân.

Có thể nói, sự dẫn dắt của làn sóng FDI đã được minh chứng cùng định hướng quy hoạch thành phố Thái Bình mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy một cuộc dịch chuyển đầu tư mới tại đây, kéo theo sự hình thành của các dự án bất động sản bài bản, đa tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây chính là chỉ dấu tích cực cho thấy sóng bất động sản đang đổ về Thái Bình với nhiều cơ hội tăng trưởng, khi “vựa lúa” vươn mình trở thành trung tâm công nghiệp mới.

 

 

Nguyên Giáp – nguồn: vneconomy.vn

The Courses