Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8

Hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) cơ bản đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 9 chương. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.

Ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức, ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, sau khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp, quản lý hóa chất, an toàn hóa chất được ban hành. Qua 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nên cần được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho hay, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hóa 4 nhóm chính sách của dự án Luật, đảm bảo thời gian theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Hồ sơ dự án Luật cơ bản đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024)” – ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa thông qua phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung nêu ý kiến tại phiên họp

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần chú trọng sự đồng bộ của Luật Hóa chất (sửa đổi) với các luật khác và các luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật phải đảm bảo luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế của Luật Hóa chất hiện hành.

Đối với Các hành vi bị cấm quy định tại Điều 7 của dự án Luật, bà Thái Quỳnh Mai Dung nêu, ngoài các hóa chất nguy hiểm ở trong nước thì cần rà soát, quản lý kỹ lưỡng các hóa chất nguy hiểm được nhập khẩu từ nước ngoài và điều này cần được cụ thể hóa ở trong dự án Luật.

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu quan điểm: Trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) cần có sự phân loại hóa chất theo mức độ nguy hại và nguy hiểm. Trong đó chú trọng đến tính thống nhất khi phân loại hóa chất.

Việc quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất cần có sự kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức, cá nhân. Đối với việc cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sản xuất, nhập khẩu hóa chất cũng cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc đào tạo, cấp giấy phép.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 tới.

Để dự án Luật đảm bảo chất lượng, yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan, các Ủy ban của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn chỉnh dự án Luật trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

 

Nguyên Giáp – Nguồn: congthuong.vn

The Courses