Việt Nam: Điểm đến đầu tư đầy triển vọng trong ASEAN

Với tốc độ tăng trưởng được duy trì nhiều năm liên tiếp, bất chấp Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam được giới đầu tư quốc tế đánh giá rất cao về triển vọng kinh tế trong khu vực ASEAN…

Việt Nam được giới đầu tư quốc tế đánh giá rất cao về triển vọng kinh tế trong khu vực ASEAN – Ảnh minh họa.

Tại buổi chia sẻ trước thềm Hội nghị thường niên “Gateway to ASEAN” do Ngân hàng UOB tổ chức, sắp diễn ra tại TP.HCM vào ngày 6 tháng 9 năm 2024, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, đánh giá cao tiềm năng kinh tế và giao thương của khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam là một điểm đến quan trọng trong khu vực với triển vọng tích cực trong thời gian tới.

ASEAN TRỖI DẬY MẠNH MẼ

Trong bối cảnh thị trường biến động và bất ổn toàn cầu, ASEAN đã vượt rủi ro suy thoái, vẫn duy trì tăng trưởng và lạm phát thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế G3. Bất chấp vô số thách thức đến từ kinh tế vĩ mô, từ nền kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng, đến giá hàng hóa biến động và căng thẳng địa chính trị, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN năm 2024 vẫn tăng 5%. Đây là mức tăng trưởng được duy trì trong suốt thập kỷ qua.

“Về thương mại, ASEAN là một khu vực có khối thương mại lớn, nhưng phần lớn hoạt động giao thương diễn ra bên ngoài khu vực. Năm 2022, thương mại của ASEAN đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ USD, trong đó 80% thương mại với các quốc gia ngoài ASEAN. Ngược lại, EU có tỷ trọng thương mại nội khối cao hơn (80%), cho thấy thương mại của ASEAN hội nhập toàn cầu, đặc biệt là với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ”, ông Suan phân tích.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự trỗi dậy của ASEAN, không chỉ là lợi thế về nhân khẩu học bao gồm dân số trẻ đang gia tăng với gần 700 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang phát triển, mà còn là vị trí địa lý nằm ở ngã ba của các tuyến thương mại chính với 3,4 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu mỗi năm.

Bên cạnh đó, ông Suan cũng cho thấy sự dịch chuyển trong dòng chảy thương mại của Hoa Kỳ đã mang lại lợi thế cho ASEAN. Năm 2016, khoảng 21% lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc; con số này đã giảm xuống còn 13% ở hiện tại, trong khi lượng hàng nhập khẩu từ ASEAN đã tăng từ 7% lên khoảng 11%. Việt Nam đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể, với thị phần nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng gần gấp đôi.

Một động lực nữa là dòng chảy thương mại của Trung Quốc chuyển dịch khỏi Hoa Kỳ và Châu Âu cũng có lợi cho ASEAN. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vượt qua EU và Hoa Kỳ. Thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng đáng kể, trong khi thương mại với Hoa Kỳ và EU đã giảm. Điều này phản ánh sự thay đổi lớn hơn theo hướng quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nhìn chung, những xu hướng này minh họa cho sự tái cơ cấu đáng kể trong thương mại toàn cầu. Và ASEAN nổi lên như một nhân tố nổi bật hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc và sự gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu.

VIỆT NAM: ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH KHU VỰC

Việt Nam được xem là “Ngôi sao sáng” trong khu vực ASEAN với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao trong nhiều năm qua bất chấp những biến động toàn cầu.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore).

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy GDP của Việt Nam quý 2/2024 đạt 6,93%, vượt qua kỳ vọng của cả năm 2024 (dự báo ở mức 6%), đồng thời cao hơn so với mức 5,87% của quý 01/2024 và mức 6,72% của quý 4/2023.

Nền kinh tế Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi bất chấp những thách thức toàn cầu, với dự báo tăng trưởng tích cực cho năm 2024, FDI tăng và thặng dư thương mại kỷ lục góp phần vào sự ổn định kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế nói chung được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất mạnh mẽ cũng như sự phục hồi của lĩnh vực thương mại. Cả khu vực sản xuất và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh trong hai quý vừa qua. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 10,0% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 năm 2024 so với mức 7,2% trong quý 1 năm 2024. Ngành dịch vụ tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 năm 2024 từ mức 6,2% trong quý 1 năm 2024. Sự phục hồi ở cả hai khu vực này đều quan trọng vì tổng thể chúng chiếm ba phần tư GDP của Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024 và đà tăng trong doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 có khả năng sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,0% và 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với hai năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Chỉ riêng trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút 13 tỷ đô la FDI thực hiện, với nguồn đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. “Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam”, ông Suan nhận định

Mặc dù các rủi ro ngược vẫn còn hiện hữu, bao gồm rủi ro địa chính trị bên ngoài, sự biến động trong chu kỳ bán dẫn và sự không chắc chắn trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc, các tổ chức quốc tế như UOB, ADB, IMF, WB vẫn dự báo mức tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam ở mức 6,0%-6,5% cho năm tài chính 2024, phục hồi từ mức 5,0% trong năm 2023. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.

Theo ông Suan, về lâu dài, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được hỗ trợ bởi các xu hướng nhân khẩu học và kinh tế vĩ mô tích cực trong dài hạn. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành ngôi sao kinh tế đang lên của ASEAN. Về nhân khẩu học, Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ và có dân số lớn thứ ba trong ASEAN với khoảng 100 triệu người. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong những năm tới để khuyến khích chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn khi dân số tiếp tục tăng và trở nên giàu có hơn.

Về xu hướng kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang dần chuyển đổi thành công từ nền kinh tế sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế theo hướng công nghệ có giá trị gia tăng cao hơn cũng như tập trung mạnh vào ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch. Dựa vào những yếu tố nền tảng mạnh mẽ dài hạn này, tỷ trọng kinh tế của Việt Nam trong tổng GDP của ASEAN đã tăng mạnh và tăng gần gấp đôi từ dưới 6% vào năm 2000 lên khoảng 12% hiện nay.

 

Nguyên Giáp – nguồn: vneconomy.vn

The Courses