Vốn FDI vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên tiếp tục tăng

Qua nửa đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút mới và tăng vốn tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên đạt 3,41 tỷ USD, chiếm gần 22,5% vốn FDI cả nước.

Dòng vốn FDI vẫn tăng

Trong 3 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, trong nửa đầu năm 2024, Quảng Ninh đứng đầu về thu hút FDI, đạt 1,55 tỷ USD, bằng 52% kế hoạch năm và bằng 218,9% so với cùng kỳ. Hiện tại, số dự án FDI đăng ký hoạt động trên địa bàn này là 204 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 15,293 tỷ USD.

Theo ông Phạm Xuân Đài, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, với mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được xây dựng sớm, cùng quyết tâm cao nhất thể hiện từ người đứng đầu, thu hút FDI của Quảng Ninh ngày càng đạt kết quả rất tích cực. Minh chứng là mới đây, Foxconn tiếp tục rót 551 triệu USD vào Dự án sản phẩm giải trí thông minh tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata, 263,7 triệu USD) và Dự án hệ thống thông minh tại Khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh II (287,2 triệu USD).

Việc tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh để đầu tư cho thấy sự tin tưởng của Tập đoàn với môi trường đầu tư của địa phương. Với 2 dự án đầu tư lần này, Foxconn đã có 5 dự án tại tỉnh Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.

 

Khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh

 

Tiếp đến là Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2024, đã đón nhận 54 dự án đăng ký đầu tư mới và 24 dự án tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn hơn 1,1 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến ngày 20/6, Hải Phòng hiện có 1.165 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 29,59 tỷ USD.

Năm 2023, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút 2 – 2,5 tỷ USD vốn FDI. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Thành phố đã phối hợp tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư, góp phần tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác; ký kết 5 bản ghi nhớ mới với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc; tổ chức Đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc do Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, Hưng Yên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 20 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 760 triệu USD. Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Hưng Yên luôn cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, thân thiện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh này hiện có gần 600 dự án FDI đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 7,5 tỷ USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là Nhật Bản có 176 dự án, với vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, chiếm 50,98%; Trung Quốc có 151 dự án, với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 15,52%;  Hàn Quốc có 154 dự án, với vốn đăng ký trên 900 triệu USD, chiếm 11,88%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lựa chọn then chốt

Theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, trong 23 dự án đầu tư được cấp mới của tỉnh, hầu hết thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đã được triển khai, như Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô công suất tối đa 300.000 xe/năm và một số nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện tại Khu công nghiệp Việt Hưng; chuỗi dự án sản xuất tấm quang năng Jinko Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai và Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (giai đoạn I); các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử tại Khu công nghiệp Đông Mai…

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng – Hàn Quốc tổ chức tại Hàn Quốc hồi tháng 4/2024, TP. Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn gần 400 triệu USD. Đó là Dự án sản xuất, gia công, lắp ráp, tấm bo mạch chủ (Main PCB), màn hình hiển thị PCB của Công ty TNHH Seyoung Việt Nam (cấp mới 35 triệu USD) tại Khu công nghiệp DEEP C IIA; Dự án của Công ty TNHH DH Lightning Vina (tăng vốn 55,8 triệu USD) tại Khu công nghiệp DEEP C; Công ty TNHH HKT Electronics Việt Nam Hải Phòng (tăng vốn 73,5 triệu USD) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ…

“Điểm tích cực trong thu hút FDI của Hải Phòng không chỉ là số vốn đăng ký, mà còn là tỷ lệ của các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt trên 93%”, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết.

Những dự án mới vào Hưng Yên cũng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, như dự án của Công ty cổ phần Hưng Yên Alpha Logistics Park Singapore hơn 114 triệu USD; Dự án sản xuất tem nhãn RFID đến từ Đài Loan (67 triệu USD); Dự án sản xuất, chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (87,7 triệu USD)…

 

Nguyên Giáp – nguồn: baodautu.vn

The Courses