Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy định để tạo hành lang pháp lý phù hợp, lưu trữ và mở đường cho việc tận dụng tài nguyên.
Gần đây, đoàn công tác từ UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra tiến độ các dự án đang triển khai tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và lắng nghe báo cáo liên quan đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng kho dự trữ quốc gia về dầu thô và LNG(khí thiên nhiên hóa lỏng).
Sau khi trực tiếp khảo sát các địa điểm được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề xuất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã quyết định chọn khu vực N có diện tích khoảng 140ha (nằm trong KCN số 6) để trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch xây dựng Kho dự trữ quốc gia cho dầu thô.
Bên cạnh đó, một phần khu vực C thuộc Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ được bổ sung để phù hợp với kế hoạch phát triển của nhà máy lọc dầu, với nguồn vốn từ doanh nghiệp hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm xây dựng kho dự trữ dầu thô của nhà máy.
Vị trí quy hoạch kho dự trữ LNG được thống nhất đặt tại khu vực phía Tây đảo Mê, diện tích khoảng 100ha. Đây là vị trí lý tưởng do phù hợp với quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa và có thể tận dụng tiềm năng cảng nước sâu Nghi Sơn để tiếp nhận tàu LNG với tải trọng lên đến 200.000DWT.
Theo quy hoạch, từ năm 2021 đến 2030, dự kiến sẽ xây dựng 1-2 kho dự trữ dầu thô quốc gia tại các khu vực gần Nhà máy lọc dầu như Dung Quất, Nghi Sơn và Long Sơn, với tổng công suất lên tới 1-2 triệu tấn dầu thô.
Hiện tại, trên địa bàn Thanh Hóa đã có Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với khả năng xử lý lên đến 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm, cung cấp khoảng 7,6 triệu tấn xăng, dầu và các sản phẩm hóa chất khác.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đang vận hành 6 kho xăng dầu với dung tích 753.860m3. Thêm vào đó, 5 kho xăng dầu khác với tổng dung tích 146.900m3 đã được chấp thuận chủ trương và đang trong quá trình xây dựng.
Đặc biệt, Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 58.026 tỷ đồng đang được xúc tiến đầu tư. Dự án sẽ bao gồm một nhà máy điện LNG với công suất 1.500MW, một bến cảng nhập khí LNG, đê chắn sóng dài khoảng 1km sẽ bắt đầu vận hành thương mại trước năm 2030.
Theo BMI Research, trữ lượng khí thiên nhiên tại Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Malaysia) với sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt khoảng 10.6 tỷ m3 khí. Ngành công nghiệp khí của Việt Nam hiện ở giai đoạn đang phát triển so với thế giới. Nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên trong nước thấp hơn so với khu vực và thế giới, nhưng lại có xu hướng tăng đều đặn.
Đối với dầu thô, nước ta xếp thứ 4 Đông Nam Á về xuất khẩu, xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới. Đặc biệt, dầu mỏ của Việt Nam thuộc loại dầu nhẹ, ngọt có rất ít hoặc không có lưu huỳnh. Giá dầu của Việt Nam cũng vì thế mà có giá cao hơn giá dầu của một số nước khác.
Vì vậy, Chính phủ cũng đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy định để tạo hành lang pháp lý phù hợp, để lưu trữ và mở đường cho việc chuyển đổi sử dụng, tận dụng những tài nguyên này trong thời gian tới.
Nguyên Giáp – Nguồn: nguoiquansat.vn