Các ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam sẽ ra sao dưới thời ông Trump?

Nhiều chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Donald Trump sẽ tác động nhiều hơn tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 với cam kết tạo ra thay đổi lớn trong hàng loạt vấn đề kinh tế.

Dự báo về tác động của các chính sách dự kiến được thực hiện dưới chính quyền ông Trump, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn, với vị thế là một trong những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất vào Mỹ, Việt Nam sẽ hưởng lợi.

Các doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ, đá có thể là nhóm hưởng lợi lớn nhất.

Nông sản không lo, thủy sản nhiều cơ hội

Ngoài các nhóm hàng kể trên, xuất khẩu rau củ quả được dự báo không cần “lo lắng” trước các chính sách tăng thuế quan ông Trump dự kiến áp dụng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong các năm vừa qua, Việt Nam là nước chủ yếu nhập siêu rau quả từ Mỹ. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy riêng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khoảng 254 triệu USD hàng rau quả nhưng nhập khẩu tới 304 triệu USD.

“Vì là nước nhập siêu rau quả nên không có gì để doanh nghiệp rau quả Việt Nam phải lo lắng”, ông Nguyên chia sẻ.

Ông Nguyên đồng thời đánh giá kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ chỉ nằm trong khoảng 300 triệu USD, con số rất nhỏ nếu so với trao đổi kim ngạch giữa hai nước. Việt Nam cũng là phía nhập siêu, nên ông Nguyên cho rằng tình hình chung không ảnh hưởng mà còn có khả năng phát triển thêm.

Ông dự đoán phía Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam xuất thêm các mặt hàng mới.

“Chỉ có những ngành hàng hiện nay xuất siêu lớn sang thị trường Mỹ có thể phải nhận điều tra về chống bán phá giá và thuế để tạo cân bằng giữa thương mại hai bên. Phía Mỹ có thể yêu cầu Việt Nam mua thêm hàng của Mỹ, để rút ngắn thâm hụt thương mại giữa hai bên”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Mỹ hiện tại là thị trường nhập khẩu lớn của nhiều sản phẩm Việt Nam.

Thủy hải sản hiện là một trong những ngành hàng chịu nhiều tác động từ thị trường Mỹ. Bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua của Việt Nam luôn dao động 1,5-2,1 tỷ USD/năm.

Tính riêng 10 tháng năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ mang về 1,85 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.

Bất chấp nhu cầu của thị trường Mỹ rất lớn, mặt hàng thủy sản của Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Tuy vậy, theo bà Hằng, nhờ chất lượng thủy sản ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường Mỹ, thương mại thủy sản Việt Nam với Mỹ ít bị tác động trước những biến động chính trị như kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, hiệp hội dự báo các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời ông Trump vẫn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian tới.

Một mặt là cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Trong bối cảnh 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ. Quốc gia này có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.

Diễn biến này cũng có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là ngành thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội, thách thức đan xen

Dù có thể tận dụng một số cơ hội từ các chính sách kinh tế của ông Trump, đại diện VASEP cho rằng chính quyền ông Trump có thể áp dụng tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng.

Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia – đều là những đối thủ lớn của thủy sản Việt Nam hiện nay.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam có độ mở thương mại cao, tỷ lệ xuất khẩu/GDP cao, thời gian vừa qua đóng góp xuất khẩu cho tăng trưởng cũng rất mạnh. Do đó, trong bối cảnh khó khăn về chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt tại thị trường Mỹ, Việt Nam sẽ gặp một số thách thức lớn.

“Vẫn có yếu tố có lợi cho Việt Nam là các công ty Mỹ có thể tìm cách chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.”

Bà Thảo Ly, nhà điều phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Air Tiger Express Inc.

Về phía các doanh nghiệp vận tải biển, bà Thảo Ly, nhà điều phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Air Tiger Express Inc., đánh giá nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại như nhiệm kỳ trước, có thể Việt Nam sẽ đối mặt với các biện pháp như tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt với các mặt hàng dệt may, giày dép và điện tử.

Điều này có thể làm giảm khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Đồng thời, nếu ông Trump tiếp tục chiến lược đối đầu thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là khi nước ta đang là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của đất nước tỷ dân.

“Vẫn có yếu tố có lợi cho Việt Nam là các công ty Mỹ có thể tìm cách chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nếu mức thuế cao vẫn duy trì. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt mở rộng sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ.

Ngoài ra, việc ông Trump khuyến khích các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư Mỹ tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và điện tử”, bà Thảo Ly nhận định thêm.


Nguyên Giáp – Nguồn: baomoi.com

The Courses