Báo cáo từ Guotai Junan Securities chỉ ra rằng, việc cải thiện và mở rộng hạ tầng năng lượng sẽ là yếu tố cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nền tảng năng lượng vững chắc – Bệ phóng cho công nghiệp bền vững
Hiện tại, Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, ngành đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng năng lượng lỗi thời đang cản trở quá trình này.
Báo cáo cập nhật vĩ mô từ Công ty TNHH Chứng khoán Guotai Junan (Guotai Junan Securities) nhận định rằng, việc đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng, đặc biệt là hệ thống truyền tải và sản xuất điện, đóng vai trò quyết định trong việc tăng cường khả năng sản xuất và giảm thiểu các vấn đề gián đoạn do thiếu hụt điện năng.
Sự kiện khánh thành đường dây truyền tải điện 500kV mạch 3 mới đây được xem là bước đột phá quan trọng giúp cải thiện khả năng cung cấp điện, đặc biệt là cho các khu công nghiệp lớn tại miền Bắc. Với việc khai thác được nguồn điện từ khu vực miền Trung và miền Nam – nơi có nguồn năng lượng dồi dào, cơ sở này không chỉ giảm bớt tình trạng thiếu điện cục bộ mà còn góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thực tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Sự gia tăng năng suất ngành chế biến, chế tạo sẽ đẩy mạnh tổng sản lượng quốc gia, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, để đảm bảo các doanh nghiệp trong ngành này có thể tối đa hóa sản lượng, nguồn năng lượng ổn định và bền vững là yếu tố không thể thiếu.
Thách thức đối diện – Cơ hội mở rộng
Mặc dù đã có những bước tiến nhất định, theo Guotai Junan Securities, hạ tầng năng lượng của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, hệ thống lưới điện còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống như than đá, vốn đang chịu áp lực từ các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn nhất mà hệ thống năng lượng Việt Nam đang gặp phải là sự bất cân đối giữa cung và cầu. Nhiều dự án điện gió và điện mặt trời đã được đầu tư nhưng lại gặp khó khăn trong việc kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia do thiếu hạ tầng truyền tải đồng bộ. Điều này dẫn đến việc nhiều dự án bị trì hoãn hoặc không thể vận hành với công suất tối đa, làm giảm hiệu quả đầu tư và gây ra sự thiếu hụt điện trong các giai đoạn cao điểm sản xuất.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng do sự phát triển của công nghiệp và đô thị hóa cũng đặt ra áp lực lớn lên hệ thống hiện tại. Chi phí đầu tư cho hạ tầng năng lượng là rất lớn và thường yêu cầu nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp. Tuy nhiên theo Guotai Junan Securities, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn vốn đầu tư do hạn chế về ngân sách nhà nước và việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này còn gặp nhiều rào cản.
Bên cạnh đó, theo Guotai Junan Securities, EVN cam kết sẽ đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và kinh doanh trong năm 2024. Tuy nhiên, không thể bỏ qua lo ngại về việc tái diễn các vấn đề cắt điện do quá tải vào mùa hè như năm 2023. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất khi họ phải chịu thêm chi phí phát sinh từ việc thuê máy phát điện dự phòng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Kết nối hạ tầng năng lượng với thu hút đầu tư FDI
Không chỉ đảm bảo cho sản xuất nội địa, hạ tầng năng lượng ổn định còn là một yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến tháng 8/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang đổ vốn vào Việt Nam với kỳ vọng hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, trong đó năng lượng là một yếu tố then chốt.
Sự thiếu hụt và không ổn định về nguồn cung điện có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Đặc biệt, khi xu hướng toàn cầu đang hướng tới nguồn năng lượng sạch, Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp bằng cách đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư quốc tế.
Giải pháp cho tương lai
Để giải quyết những vấn đề về năng lượng, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện gió và điện mặt trời, cùng với việc phát triển các dự án đường dây truyền tải điện cao thế, là những bước đi cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Guotai Junan Securities, để đạt được hiệu quả tối đa, các chính sách này cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.
Một yếu tố quan trọng khác là việc thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực năng lượng. Các doanh nghiệp tư nhân với khả năng huy động vốn lớn và công nghệ tiên tiến có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng năng lượng. Mô hình này đã thành công ở nhiều quốc gia và hoàn toàn có thể được áp dụng tại Việt Nam.
Tóm lại, đầu tư vào hạ tầng năng lượng không chỉ giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong tương lai. Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để xây dựng một chiến lược dài hạn, đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.
Nguyên Giáp – Nguồn: nguoiquansat.vn