Tỉnh nằm ở Duyên hải Nam Trung Bộ đang nghiên cứu phát triển khu công nghiệp Net-zero đầu tiên của Việt Nam.
Khái niệm chung về Net-zero
Định nghĩa Net-zero:
Net-zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương.
Tại sao Net-zero quan trọng?
Khoa học đã chứng minh, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trái Đất hiện nay đã ấm hơn khoảng 1,1°C so với cuối những năm 1800, trong khi lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng lên. Để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt net-zero vào năm 2050.
Có thể đạt được Net-zero qua phương thức nào?
Chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Nó đòi hỏi không gì khác hơn là một sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển. Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải carbon.
Tại Việt Nam
Hội thảo Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức nằm trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo đã bàn đến vấn đề định hướng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng xanh và tiên phong trong phát triển khu công nghiệp Net-zero đầu tiên của Việt Nam.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị. Tỉnh cũng xác định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.

Với định hướng này cùng tiềm lực sẵn có, tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt thực hiện mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tỉnh Ninh Thuận cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng và cơ hội lớn từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh. Đây được xem như giải pháp công nghệ bền vững và cần thời gian, nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.
Tại hội thảo, ông Đặng Hà Anh, Trưởng nhóm vận chuyển và chế biến dầu khí – Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định có mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng…

Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự mong muốn sẵn sàng hợp tác, hướng đến mục tiêu lớn này. Phía Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ giúp khởi xướng tỉnh Ninh Thuận quy hoạch “hệ sinh thái công nghiệp net-zero” để triển khai Khu công nghiệp Net-zero đầu tiên và trở thành Trung tâm Năng lượng xanh của Việt Nam.
Trung Nam Group cũng cho biết, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển một số tổ hợp năng lượng xanh để sản xuất hydrogen và amoniac xanh tại Việt Nam. Năng lượng gió và mặt trời là những nguồn chính để sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh. Dự kiến tập đoàn sẽ sản xuất 250.000 tấn/năm hydrogen xanh vào năm 2030 và 2,5 triệu/năm tấn vào năm 2050. Với dự án này, UBND tỉnh Ninh Thuận và Trung Nam Group đã ký biên bản ghi nhớ dự án nghiên cứu, phát triển hydro xanh với vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng.
Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2024, phê duyệt Chiến lược phát triển hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ mục tiêu đạt công suất sản xuất hydrogen khoảng 100 – 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030 và 10- 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Nguyên Giáp – nguồn: Tổng hợp