Kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với các doanh nghiệp FDI

Hội nghị nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành phố Hà Nội tiếp cận, trao đổi và hợp tác với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn…

Chiều 16/10, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng Quốc gia, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Theo HAMI, đây là nội dung quan trọng trong chương trình phát triển các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội nhằm tăng cường, thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế – thương mại giữa các doanh nghiệp công nghiệp với doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

                                                               Toàn cảnh Hội nghị. <Ảnh: congthuong.vn>

Mục đích của Hội nghị là hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành phố Hà Nội tiếp cận, trao đổi và hợp tác với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, xúc tiến thương mại, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội.

HAMI – Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội và các doanh nghiệp thuộc hội đã đẩy mạnh hoạt động với tôn chỉ “Gắn kết – Tiên phong”, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, là cầu nối với cơ quan quản lý nhà nước và thành phố Hà Nội nhằm biến thách thức thành cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Đến nay, HAMI đã trở thành hội ngành nghề phát triển với hàng trăm doanh nghiệp hội viên. Các doanh nghiệp tham gia Hội đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đạt được 6 giá trị tiên phong là: “Tài chính, trí tuệ, tinh thần, con người, cảm xúc và xã hội”; khẳng định được vị thế là những doanh nghiệp đầu tầu, luôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của công nghiệp Thủ đô.

            Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng phát biểu tại Hội nghị. <Ảnh: congthuong.vn>

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết: Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam và thành phố Hà Nội ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Thông qua việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Nội có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận, vươn ra nhiều thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thuận lợi, thách thức đan xen trong hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bước vào năm 2024, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các sở, ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô Hà Nội đã duy trì được mức tăng trưởng, phục hồi tích cực.

Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 2,5%), trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp chủ lực. Toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 197 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD. Có 21,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 199 nghìn tỷ đồng.

                                   Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp đến tham dự. <Ảnh: congthuong.vn>

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố Hà Nội đã coi trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên của Hà Nội, ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đến năm 2020, định hướng tới năm 2025” đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết quả giai đoạn từ năm 2021 – 2024, thành phố thu hút được hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, đã có 114 doanh nghiệp với 172 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, đạt trên 100% so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2004 dự kiến công nhận 63 sản phẩm của 35 doanh nghiệp, đưa tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố giai đoạn 2018-2024 lên 289 sản phẩm của 191 lượt doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thắng, thông qua hội nghị, Sở Công Thương tin tưởng Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội, doanh nghiệp FDI, tập đoàn doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước sẽ có mối liên kết, quan hệ kinh tế giao thương, phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực phát huy được vai trò đầu tầu, chủ động, sáng tạo, tận dụng cơ hội, thời cơ tìm kiếm và khai thác các quan hệ hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để khắc phục khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu bền vững”, ông Nguyễn Đình Thắng bày tỏ.

Sáng cùng ngày, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng Quốc gia, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức khai mạc “Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024”.

Hội chợ thu hút trên 200 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, có thế mạnh xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu thuộc các ngành, lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, công nghệ cao, công nghiệp chế biến… Hội chợ diễn ra từ ngày 16-18/10/2024.


Nguyên Giáp – Nguồn: congthuong.vn

The Courses