Vinhomes mở rộng mảng bất động sản khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI muốn rời Trung Quốc, do những lo ngại khi Donald Trump làm Tổng thống Mỹ.
Ngày 4/11 vừa qua, CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) quyết định tách CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes, có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng và sở hữu 51% cổ phần, thành ba công ty con. Bên cạnh công ty cũ giữ nguyên, hai công ty mới là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hải Phòng (vốn điều lệ 15.160 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, vốn điều lệ này đưa Vinhomes vào nhóm đầu ngành, vượt qua các ông lớn hiện tại như Becamex IDC (10.350 tỷ đồng), Kinh Bắc (7.676 tỷ đồng), IDICO (3.300 tỷ đồng), Viglacera (4.484 tỷ đồng). Theo MBS Research, điều này cho thấy doanh nghiệp sẽ mở rộng, phát triển mạnh mẽ sang mảng khu công nghiệp, đặc biệt tại Hải Phòng, nơi có công ty sở hữu vốn điều lệ lớn nhất.
Hiện tại, Vinhomes đang triển khai khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có quy mô đất 965ha, trong đó diện tích cho thuê là 662ha, với tổng vốn đầu tư 13.276 tỷ đồng, dự kiến hoạt động từ cuối năm 2030 và có thời gian hoạt động 70 năm.
Dự án này đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 13/7/2024. Đến ngày 11/10, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án.
MBS Research dự phóng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng sẽ bắt đầu tạo dòng tiền trong 2 – 3 năm tới với doanh thu mỗi năm ước đạt 3.000 – 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình 2.000 tỷ đồng.
Bất động sản khu công nghiệp đón sóng “Donald Trump 2.0”
Trước tác động của việc Donald Trump trở lại làm Tổng thống Mỹ, không ít công ty chứng khoán cho rằng bất động sản khu công nghiệp sẽ thuộc nhóm đầu hưởng lợi.
Mirae Asset phân tích rằng việc ông Trump lên nắm quyền có thể thúc đẩy Việt Nam hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ áp thuế cao với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt rủi ro từ các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và các thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ, như việc tăng thuế đối với hàng hóa từ các quốc gia khác lên 10 – 20%. Ngành bất động sản khu công nghiệp có thể được hưởng lợi từ làn sóng FDI rời Trung Quốc.
Chứng khoán Agribank cũng đồng tình rằng việc ông Trump đắc cử lần hai sẽ mang lại nhiều tác động quan trọng cho Việt Nam. Các chính sách kinh tế của ông Trump, như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, và thu hút FDI về Mỹ, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành và lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm xuất nhập khẩu, FDI, và tỷ giá.
Về dòng vốn đầu tư, Agriseco dự báo chính sách áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể kích hoạt làn sóng FDI tiếp tục rời khỏi Trung Quốc, với Việt Nam là điểm đến tiềm năng nhờ vào vị trí chiến lược và môi trường đầu tư thuận lợi. Agriseco dự báo bất động sản khu công nghiệp sẽ là một trong ba nhóm ngành hưởng lợi nhất từ điều này.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp sản xuất chip |
Trong thời gian qua, làn sóng FDI “thế hệ mới” tập trung vào công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo, và chất bán dẫn đã nổi lên như một xu hướng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 FTA và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc…
Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip, theo Reuters ngày 12/11, các công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam do sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc trước căng thẳng thương mại với phương Tây. Phân khúc sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam hiện đang phát triển nhanh, là một phần trong thị trường toàn cầu trị giá 95 tỷ USD, vốn do Trung Quốc và Đài Loan chiếm ưu thế.
Nguyên Giáp – Nguồn: nguoiquansat.vn